Bầu Giáo Hoàng: Đấu tranh nội bộ?
WHĐ -- Báo Thanh Niên, số Chủ nhật 10.3.2013, giật tít lớn ở trang nhất: Những ứng viên sáng giá cho vị trí giáo hoàng, rồi ở trang cuối, lại có bài Nhân sự mới cho thời mớicủa tác giả La Phù. Tác giả nêu lên hai sự kiện. Sự kiện thứ nhất là việc “Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm được nhìn nhận như thể một điều cấm kỵ bị phá bỏ” dù “chẳng phải là không có tiền lệ”. Sự kiện thứ hai là “việc các hồng y bàn về những vấn đề và thách thức hiện tại của nhà thờ [sic] Thiên Chúa giáo rồi mới bầu tân giáo hoàng”. Hai sự kiện này được tác giả gọi là hai dấu hiệu, qua đó tác giả diễn giải ý nghĩa của việc bầu giáo hoàng lần này là “cơ hội để thay đổi định hướng quan điểm chung của nhà thờ Thiên Chúa giáo”, và hơn nữa, là “sự tranh chấp giữa phe bảo thủ và phái cấp tiến, giữa nhóm bám giữ truyền thống và những người muốn đổi mới”.
Không biết tác giả có phải là người công giáo không, nhưng nguyên việc quan tâm đến sự kiện bầu giáo hoàng thì tôi cũng cần phải cảm ơn rồi. Chỉ xin góp thêm vài suy nghĩ để mối quan tâm của tác giả được rõ nét hơn.
Bộ Giáo Luật Hội Thánh Công Giáo năm 1983 quy định rằng: “Trong trường hợp Giáo hoàng Rôma từ nhiệm, để được thành sự, thì đòi việc từ nhiệm phải tự do và phải được biểu lộ đúng cách nhưng không cần được ai chấp nhận” (điều 332, khoản 2). Chính Giáo luật quy định chứ chẳng phải là chuyện có tiền lệ hay không. Mà đã thế thì làm gì có chuyện “Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm được nhìn nhận như thể một điều cấm kỵ bị phá bỏ”. Người ta có cấm đâu mà bảo là “điều cấm kỵ”?
Thế rồi sự kiện thứ hai mà tác giả nêu lên là “việc các hồng y bàn về những vấn đề và thách thức hiện tại của nhà thờ Thiên Chúa giáo rồi mới bầu giáo hoàng”. Làm cứ như thể đây là chuyện chưa từng có! Thử nhớ lại lần bầu giáo hoàng Benedict XVI xem sao. Đức John Paul II qua đời lúc 21g37 ngày 2.4.2005 và được an táng một tuần sau đó (8.4). Đến ngày 18.4, Mật tuyển viện bầu giáo hoàng mới bắt đầu. Như thế các hồng y có 10 ngày để chuẩn bị bước vào Mật tuyển viện, và trong 10 ngày đó, các ngài tham dự những buổi họp khoáng đại (tất cả các vị trong hồng y đoàn, kể cả những vị ngoài 80 tuổi), trong đó các ngài bàn về tình hình của Giáo Hội cũng như những vấn đề và thách đố phải quan tâm. Người điều hành những cuộc họp ấy chính là hồng y Joseph Ratzinger vì ngài là niên trưởng, sau này cũng chính ngài đã được bầu làm giáo hoàng với danh hiệu Benedict XVI. Như thế, việc “các hồng y bàn về những vấn đề và thách thức hiện tại của nhà thờ Thiên Chúa giáo rồi mới bầu giáo hoàng” là chuyện hết sức bình thường chứ có phải là dấu hiệu lớn lao gì đâu! Nếu tác giả La Phù muốn kiểm chứng và tìm hiểu thêm những gì nói ở đây, tôi xin giới thiệu cuốn The Rise of Benedict XVI của John L. Allen, Jr, Image Books, New York: 2005.
Tác giả La Phù đưa ra hai sự kiện trên, được coi như dấu hiệu và tiền đề để dẫn đến kết luận về việc bầu giáo hoàng lần này là “cơ hội để thay đổi định hướng quan điểm chung của nhà thờ Thiên Chúa giáo”, và “sự tranh đấu giữa phe bảo thủ và phái cấp tiến, giữa nhóm bám giữ truyền thống và những người muốn đổi mới”. Thế nhưng cả hai tiền đề ấy đều không vững thì kết luận cũng chẳng thuyết phục được ai.
Chắc là tác giả đã quen với những cuộc vận động tranh cử của xã hội thế tục nên hình dung việc bầu giáo hoàng cũng y như thế. Xin nói thật cho tác giả biết về chuyện bầu giáo hoàng: chẳng có vận động tranh cử gì đâu vì vị hồng y nào cũng “sợ” bị bầu làm giáo hoàng cả, một gánh nặng có lẽ là lớn nhất đối với một con người. Cho nên vị nào được bầu thì cũng chỉ đón nhận vì vâng phục và cậy trông nơi Đấng mà các ngài tin tưởng thôi. Chính vì thế, thay cho bầu khí ồn ào của những cuộc vận động tranh cử thì trong nhà nguyện Sistine, nơi tiến hành việc bầu giáo hoàng, chỉ có sự tĩnh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm thôi.
Giả như tôi phải phụ trách viết bài của tác giả, tôi sẽ kết luận thế này: “Trước khi bầu giáo hoàng, các hồng y bàn về những vấn đề và thách đố hiện nay của Giáo Hội Công giáo trên toàn thế giới. Sứ mạng của Giáo Hội là phục vụ nhân loại và thế giới, vì thế các hồng y cần nhìn rõ dung mạo của nhân loại và thế giới ngày nay, để có thể tìm được vị giáo hoàng có khả năng đáp ứng những vấn đề và thách đố của Giáo Hội và nhân loại trong thế giới ngày nay”. Hi vọng sẽ là một kết luận nghe được.
Ngày 10.3.2013
Nguồn:
WHĐ
No comments:
Post a Comment